Sunday, January 15, 2017

Sách Hoá Nông Thôn

Tên chương trình: Sách Hoá Nông Thôn.

Chủ Nhiệm: Nguyễn Quang Thạch.

Mục tiêu: Mang cơ hội nghe và đọc sách cho tất cả trẻ em nông thôn để xây dựng một Việt Nam nhân văn và sáng tạo.

Điện thoại:

Website: http://sachhoanongthon.vn/

Facebook: https://www.facebook.com/SachchonongthonVietnam/

Địa Chỉ: Số 7, ngách 445/10, ngõ 445, đường Lạc Long Quân, tổ 2, cụm 1, phường Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội.





Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam được UNESCO vinh danh

(CNO)  BÍCH HÀ | 16:10 NGÀY 16/12/2016
Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam được UNESCO vinh danh
Chương trình "Sách hóa nông thôn" do Nguyễn Quang Thạch khởi xướng được UNESCO vinh danh.
Ngày 16.12 tại Hà Nội, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ vinh danh “Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam” đạt giải thưởng xóa mù chữ quốc tế của UNESCO.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Phạm Sanh Châu - Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam nhấn mạnh: “Được tôn vinh tại một giải thưởng lớn về giáo dục của UNESCO là một niềm vinh dự, tự hào đối với các tác giả của sáng kiến; nhưng cũng là niềm vinh dự, tự hào của tất cả chúng ta. Sáng kiến ‘Sách hóa nông thôn’ huy động nguồn lực Xã hội nhằm xây dựng thư viện ở các vùng nông thôn khó khăn để giúp những người biết chữ rèn luyện khả năng đọc, giúp đỡ cộng đồng học tập”.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo Phạm Mạnh Hùng  thì giải thưởng là sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế cho những nỗ lực xuất sắc trong việc thúc đẩy xóa mù chữ và học tập suốt đời của Việt Nam với tri thức nhân loại. Ông cũng đánh giá Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam đã có đóng góp to lớn trong việc thúc đẩy sự ra đời của hơn 9.000 tủ sách lớp học (tủ sách phụ huynh), tủ sách dòng họ và tủ sách cộng đồng trên cả nước.
ảnh 1
Các thành viên thực hiện chương trình "Sách hóa nông thôn" tại lễ vinh danh.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Quang Thạch - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng - người khởi xướng chương trình "Sách hóa nông thôn" và kiên trì theo đuổi trong suốt 10 năm qua – đã xúc động nhớ lại những ngày đầu thực hiện dự án.
“Tôi đi khảo sát tỉ lệ đọc sách ở một số nơi và kết quả thực sự đáng suy ngẫm. Tỉ lệ đọc sách tại 16 trường học và ba xã thuộc hai huyện (Quỳnh Phụ, Thái Thụy - Thái Bình) trong năm 2010 và năm 2013 cho thấy: việc đọc các loại sách (ngoài sách giáo khoa) của học sinh dao động trong khoảng từ 0,4-2 cuốn/năm. Trong khi đó, việc đọc sách của nông dân là con số 0 tròn trĩnh. Tôi thấy mình phải làm gì đó, phải bắt đầu từ việc tạo thói quen đọc sách cho chính những đứa trẻ, vì sách là tri thức.
Mà muốn trẻ đọc sách và yêu sách thì hệ thống thư viện phải rộng khắp, trẻ em được khuyến đọc bằng nhiều hình thức khác nhau. Tại một số nước phát triển (như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Đức...), giới trẻ lĩnh hội tri thức qua sách vở từ thư viện với mức đọc từ 8.000-10.000 trang sách/năm. Trái lại, học sinh nông thôn ở Việt Nam lại thiếu thứ cơ bản nhất là sách. Điều đó dẫn đến tiềm năng đọc của học sinh bị lãng phí, văn hóa đọc chưa thể hình thành trên quy mô cả nước.
Khi quyết định triển khai dự dán, mục tiêu chính mà chương trình “Sách hóa nông thôn” muốn hướng tới là giải quyết tình trạng thiếu sách kéo dài ở nông thôn, đồng thời góp phần nâng cao dân trí trên quy mô quốc gia và xây dựng tinh thần chia sẻ trách nhiệm xã hội ở Việt Nam. Gần 10 năm xây dựng, đi dọc dài đất nước để thuyết phục người dân, cộng đồng cùng chung tay, hiện nay, đã có hơn 5.000 tủ sách các loại được xây dựng, tạo cơ hội cho khoảng 200.000 học sinh nông thôn được đọc sách với nhiều tác động xã hội tích cực”- ông Nguyễn Quang Thạch chia sẻ.
Vui mừng khi được nhận giải thưởng, điều đầu tiên Nguyễn Quang Thạch nghĩ đến là vui vì nhận thức của chính những người nông dân về văn hóa đọc đã thay đổi, khi họ chung tay tạo ra hệ thống thư viện: “Đó là một trong những sự dịch chuyển lớn trong xã hội Việt Nam, nông dân rồi công chức, những người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài đã góp sức làm nên thành công của chương trình Sách hóa nông thôn”.
Sáng kiến huy động nguồn lực xã hội xây dựng thư viện ở các vùng nông thôn khó khăn để giúp những người biết chữ rèn luyện khả năng đọc, giúp đỡ cộng đồng học tập của “Sách hóa nông thôn” được UNESCO đánh giá là một sáng kiến nhân văn, một cách làm hiệu quả và mong muốn ý tưởng này sẽ đóng góp vào kinh nghiệm chung của các nước trên thế giới trong việc xóa nạn mù chữ, thúc đẩy học tập.

No comments:

Post a Comment