Sunday, January 15, 2017

Sách Hoá Nông Thôn

Tên chương trình: Sách Hoá Nông Thôn.

Chủ Nhiệm: Nguyễn Quang Thạch.

Mục tiêu: Mang cơ hội nghe và đọc sách cho tất cả trẻ em nông thôn để xây dựng một Việt Nam nhân văn và sáng tạo.

Điện thoại:

Website: http://sachhoanongthon.vn/

Facebook: https://www.facebook.com/SachchonongthonVietnam/

Địa Chỉ: Số 7, ngách 445/10, ngõ 445, đường Lạc Long Quân, tổ 2, cụm 1, phường Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội.





Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam được UNESCO vinh danh

(CNO)  BÍCH HÀ | 16:10 NGÀY 16/12/2016
Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam được UNESCO vinh danh
Chương trình "Sách hóa nông thôn" do Nguyễn Quang Thạch khởi xướng được UNESCO vinh danh.
Ngày 16.12 tại Hà Nội, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ vinh danh “Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam” đạt giải thưởng xóa mù chữ quốc tế của UNESCO.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Phạm Sanh Châu - Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam nhấn mạnh: “Được tôn vinh tại một giải thưởng lớn về giáo dục của UNESCO là một niềm vinh dự, tự hào đối với các tác giả của sáng kiến; nhưng cũng là niềm vinh dự, tự hào của tất cả chúng ta. Sáng kiến ‘Sách hóa nông thôn’ huy động nguồn lực Xã hội nhằm xây dựng thư viện ở các vùng nông thôn khó khăn để giúp những người biết chữ rèn luyện khả năng đọc, giúp đỡ cộng đồng học tập”.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo Phạm Mạnh Hùng  thì giải thưởng là sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế cho những nỗ lực xuất sắc trong việc thúc đẩy xóa mù chữ và học tập suốt đời của Việt Nam với tri thức nhân loại. Ông cũng đánh giá Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam đã có đóng góp to lớn trong việc thúc đẩy sự ra đời của hơn 9.000 tủ sách lớp học (tủ sách phụ huynh), tủ sách dòng họ và tủ sách cộng đồng trên cả nước.
ảnh 1
Các thành viên thực hiện chương trình "Sách hóa nông thôn" tại lễ vinh danh.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Quang Thạch - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng - người khởi xướng chương trình "Sách hóa nông thôn" và kiên trì theo đuổi trong suốt 10 năm qua – đã xúc động nhớ lại những ngày đầu thực hiện dự án.
“Tôi đi khảo sát tỉ lệ đọc sách ở một số nơi và kết quả thực sự đáng suy ngẫm. Tỉ lệ đọc sách tại 16 trường học và ba xã thuộc hai huyện (Quỳnh Phụ, Thái Thụy - Thái Bình) trong năm 2010 và năm 2013 cho thấy: việc đọc các loại sách (ngoài sách giáo khoa) của học sinh dao động trong khoảng từ 0,4-2 cuốn/năm. Trong khi đó, việc đọc sách của nông dân là con số 0 tròn trĩnh. Tôi thấy mình phải làm gì đó, phải bắt đầu từ việc tạo thói quen đọc sách cho chính những đứa trẻ, vì sách là tri thức.
Mà muốn trẻ đọc sách và yêu sách thì hệ thống thư viện phải rộng khắp, trẻ em được khuyến đọc bằng nhiều hình thức khác nhau. Tại một số nước phát triển (như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Đức...), giới trẻ lĩnh hội tri thức qua sách vở từ thư viện với mức đọc từ 8.000-10.000 trang sách/năm. Trái lại, học sinh nông thôn ở Việt Nam lại thiếu thứ cơ bản nhất là sách. Điều đó dẫn đến tiềm năng đọc của học sinh bị lãng phí, văn hóa đọc chưa thể hình thành trên quy mô cả nước.
Khi quyết định triển khai dự dán, mục tiêu chính mà chương trình “Sách hóa nông thôn” muốn hướng tới là giải quyết tình trạng thiếu sách kéo dài ở nông thôn, đồng thời góp phần nâng cao dân trí trên quy mô quốc gia và xây dựng tinh thần chia sẻ trách nhiệm xã hội ở Việt Nam. Gần 10 năm xây dựng, đi dọc dài đất nước để thuyết phục người dân, cộng đồng cùng chung tay, hiện nay, đã có hơn 5.000 tủ sách các loại được xây dựng, tạo cơ hội cho khoảng 200.000 học sinh nông thôn được đọc sách với nhiều tác động xã hội tích cực”- ông Nguyễn Quang Thạch chia sẻ.
Vui mừng khi được nhận giải thưởng, điều đầu tiên Nguyễn Quang Thạch nghĩ đến là vui vì nhận thức của chính những người nông dân về văn hóa đọc đã thay đổi, khi họ chung tay tạo ra hệ thống thư viện: “Đó là một trong những sự dịch chuyển lớn trong xã hội Việt Nam, nông dân rồi công chức, những người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài đã góp sức làm nên thành công của chương trình Sách hóa nông thôn”.
Sáng kiến huy động nguồn lực xã hội xây dựng thư viện ở các vùng nông thôn khó khăn để giúp những người biết chữ rèn luyện khả năng đọc, giúp đỡ cộng đồng học tập của “Sách hóa nông thôn” được UNESCO đánh giá là một sáng kiến nhân văn, một cách làm hiệu quả và mong muốn ý tưởng này sẽ đóng góp vào kinh nghiệm chung của các nước trên thế giới trong việc xóa nạn mù chữ, thúc đẩy học tập.

Tuesday, January 10, 2017

Sát Cánh Cùng Gia Đình Việt

Tên tổ chức từ thiện: Sát Cánh Cùng Gia Đình Việt

Đơn vị tổ chức: Đài Tiếng nói Nhân Dân TP.HCM

Tiêu chí hoạt động: Khi lời nói đi thẳng từ trái tim đến trái tim- Sẽ làm nên điều kì diệu

Địa chỉ: Đài Tiếng nói Nhân Dân TP.HCM. Số 3, Nguyễn Đình Chiểu, P.Đa Kao, Quận 1, TP.HCM

Website:
+ http://satcanhcunggiadinhviet.vn/
+ http://www.voh.com.vn/sat-canh-cung-gia-dinh-viet-436.html

Facebook: https://www.facebook.com/S%C3%A1t-C%C3%A1nh-C%C3%B9ng-Gia-%C4%90%C3%ACnh-Vi%E1%BB%87t-254685634544382/

Điện Thoại: 0908313281 – 0908067064 | Email: hongthuyvoh@gmail.com

-----------------------------------GIỚI THIỆU------------------------------------------

Phát sóng: Trên Đài Tiếng Nói Nhân dân TP. HCM với các khung giờ và tần số:

- Lúc 7g30 thứ 5 Kênh FM 99,9Mhz
- Lúc 17g thứ 4 Kênh FM 99,9Mhz
- Lúc 21g45 thứ 2 Kênh FM 99,9Mhz
- Lúc 14g30 chủ nhật trên kênh FM 95,6 Mhz Kênh giao thông đô thị
- Lúc 21g45 tối thứ 3 hàng tuần trên sóng AM 610Khz
Hoặc nghe trực tuyến trên www.satcanhcunggiadinhviet.vn
Giải thưởng : 
- Giải B Giải Báo Chí Quốc Gia năm 2014
- Giải Bạc Liên Hoan Phát thanh toàn quốc năm 2011
- Giải 3 Giải Báo Chí TP. Hồ Chí Minh năm 2011
- Giải B Giải Báo Chí “Vì sự Nghiệp Đại Đoàn kết toàn Dân Tộc lần thứ X- 2012” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng.
- Bằng khen UBND TP. HCM năm 2012-2013-2014-2015 vì có thành tích suất sắc trong công tác xã hội từ thiện
- Từ 28/06/2011 đến tháng 12/2015 đã vận động được hơn 30.000 lượt ủng hộ của thính giả trong và ngoài nước. Tổng số tiền vận động hơn 30 TỶ ĐỒNG

SƠ NÉT VỀ CHƯƠNG TRÌNH:
Thời gian qua, nhận thấy các chương trình Phát sóng trên các Đài phát thanh trên cả nước chưa có chương trình Phát thanh thực tế nào đi sâu vào nội dung giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, kết nối những tấm lòng thiện nguyện. Sau khi tìm hiểu và nghiên cứu các tư liệu, ngày 28/06/2011, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã mở ra Chương trình phát thanh thực tế “SÁT CÁNH CÙNG GIA ĐÌNH VIỆT” - Đây là chương trình phát thanh thực tế đầu tiên của cả nước nhằm giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn - các bệnh nhân nghèo khó. Qua làn sóng của Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, những hoàn cảnh khó khăn, cùng cực đã được chuyển tải đến thính giả nghe Đài một cách chân thực và xúc cảm nhất.
Với Truyền hình, khái niệm “Chương trình thực tế” không còn xa lạ gì, thế nhưng với Phát thanh - Chương trình thực tế là khái niệm khá mới mẻ và không dễ để thực hiện vì chỉ bằng âm thanh, những người thực hiện phải làm sao để thính giả khi nghe chương trình mà có thể “thấy” được câu chuyện mà tác giả muốn nói, “thấy” được giọt nước mắt hay nụ cười của mỗi nhân vật xuất hiện trong chương trình để đồng cảm và sẻ chia, đó là điều rất khó. 
Thế nhưng, với những cố gắng nỗ lực của ekip thực hiện, Chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt đã vượt qua những khó khăn ban đầu để thu hút được hơn 30.000 lượt ủng hộ của thính giả nghe Đài, tính đến tháng 12/2015, chương trình đã vận động được 30 tỷ đồng để thực hiện rất nhiều hoạt động mang ý nghĩa từ thiện, ghi đậm dấu ấn ở nhiều vùng đất khó khăn trên cả nước mà chương trình đi qua như: Xây trường cho trẻ vùng cao, xây cầu nông thôn, mổ tim cho các bệnh nhi, mổ mắt cho hàng ngàn bệnh nhân nghèo, xây nhà tình thương, hỗ trợ vốn làm ăn cho các gia đình khó khăn….

DẤU ẤN MỘT SỐ CÔNG TRÌNH NỔI BẬT: 
1- Mang lại ánh sáng cho 5000 Bệnh nhân nghèo trên cả nước : Kinh phí hơn 3,5 tỷ đồng :
Họ là những người nghèo bị bệnh đục thủy tinh thể và cườm nhưng vì cuộc sống quá khó khăn, cơm ăn còn không đủ nên ước mơ được đến bệnh viện để phẩu thuật mắt quá xa vời đối với họ. Thế nên, nhiều người đã để cho đôi mắt của mình bị mù lòa trong thời gian dài, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của cá nhân, gia đình và xã hội. 
Sau khi tìm hiểu niềm trăn trở của các Bệnh nhân, rồi đi đến Khoa Mắt Bệnh Viện Nguyễn Trãi, Quận 5 nhờ hỗ trợ một phần kinh phí. Ekip chương trình đã quyết định thực hiện chương trình kêu gọi Mổ mắt cho các bệnh nhân nghèo trên làn sóng của Đài. Ban đầu chương trình chỉ hỗ trợ được 100 bệnh nhân..Nhưng rồi sau đó, với sự cố gắng biên tập chương trình lay động được người nghe, đã kêu gọi được hàng tỷ đồng để mang lại ánh sáng cho 5.000 người. Một cuộc sống mới đã mở ra với 5.000 người ấy rộng rãi và thênh thang hơn. Họ đã có thể tự nuôi sống bản thân và chăm lo cho những người khác trong gia đình, không để mình trở thành gánh nặng của xã hội.

2- Xây 12 cây cầu ở Long An, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cà Mau… hơn 2 tỷ đồng 
Trong quá trình đi khảo sát những hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh miền Tây, chương trình nhận thấy ở nhiều địa phương, do quá khó khăn nên vẫn tồn tại những cây cầu đơn sơ, mục nát…gây nguy hiểm cho người dân và các em học sinh khi qua lại. Thế là sau đó, bằng câu chữ và âm nhạc chương trình đã kêu gọi thính giả đóng góp cho hoạt động xây cầu. Từ sự kêu gọi ấy, hàng ngàn thính giả đã chung tay đóng góp, để rồi sau đó, nhiều cây cầu đã được xây dựng trong niềm vui – niềm hạnh phúc vỡ òa của các em học sinh và biết bao người dân nơi những vùng quê nghèo ấy.

3- Xây dựng Trường Mầm Non Tân Phú, An Giang, tổng kinh phí 350 triệu đồng
Sau lời giới thiệu của một thính giả nghe Đài, rằng ở nơi một xã nghèo của huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, có gần 200 em học sinh đã đến tuổi học Mầm non nhưng không được đến trường vì không đủ lớp học. Biên tập chương trình đã về chuyển tải câu chuyện ấy đến thính giả nghe Đài và chỉ sau 1 tháng phát động, vào tháng 7/2014, chương trình đã đến xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang để tiến hành khởi công trường mầm non của xã. Nằm ngay bên cạnh con đường nhựa thẳng tắp, đằng sau là đồng lúa xanh rì, nhưng khu trường mẫu giáo Tân Phú thì chỉ là 2 phòng học tiền chế cũ kỹ xập xệ, mái tôn thủng lỗ chỗ, ngày mưa cô trò phải lấy thau hứng nước, còn ngày nắng thì nóng như lò hơi. Không đầy ba tháng sau, khi những bông lúa đã trĩu nặng oằn sai thì bên cạnh đã mọc lên 5 phòng học mới khang trang, sạch sẽ, mùi sơn mới lẩn khuất trong cơn gió chiều. 
Để có được ngôi trường khang trang này là biết bao tấm lòng của các nhà hảo tâm đóng góp số tiền hơn 350 triệu đồng.
Với công trình này chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vinh dự được UBND tỉnh An Giang tặng bằng khen đã có nhiều đóng góp trong công tác xã hội từ thiện tại huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

4- Xây 1 khu nhà nội trú cho các em học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, xã Quảng Hòa, huyện Đắc GLông, tỉnh Đắc Nông và tặng 3 đợt quà tại đây. Tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng.
Từ những đoạn phim tư liệu ngắn ngủi của một đồng nghiệp gửi đến cho chương trình đã khiến cho nhiều người rơi nước mắt thương cảm nhìn thấy cảnh những em bé học sinh nghèo của xã Quảng Hòa, Huyện Đak Glong, tỉnh Đắc Nông, phải đội lên đầu chiếc đèn pin đi tìm con chữ. Ekip thực hiện chương trình không quản ngại đường xa đi lên tận đây để khảo sát. Và thế là chỉ trong một thời gian ngắn sau khi chương trình kêu gọi, gần 1 tỷ đồng đã được chuyển về chương trình nhờ gửi đến các em. Từ số tiền đó, chương trình đã xây dựng khu nhà nội trú 6 phòng ở để thay bằng những mái lều xập xệ không đủ che mưa che nắng cho những đứa học trò nghèo miền núi. Hệ thống điện bằng năng lượng mặt trời trì giá 120 triệu đồng cũng được lắp đặt để các em không cần đội đèn pin lên đầu để học. Hàng ngàn phần quà bao gồm: áo ấm, sách vở, gạo, mì tôm, chăn, mền...cũng được mang lên cho các em.

5- Mổ tim cho gần 40 Bệnh nhi và người lớn ( Kinh phí hơn 3 tỷ đồng)
Đối với người nghèo bị bệnh tim, chi phí mỗi ca mổ lên đến vài chục triệu đồng, thậm chí có bệnh nhi, kinh phí ca mổ hơn 300 triệu đồng. Nhiều gia đình đành phải chấp nhận cho người thân đợi chờ cái chết đến vì không có tiền để điều trị. Bản thân tôi và ekip chương trình đã đến từng nhà, khảo sát và chuyển tải từng câu chuyện đến với thính giả gần xa, kêu gọi sự chung tay ủng hộ. Bên cạnh đó, tôi còn liên hệ với Hội Bảo Trợ Bệnh Nhân Nghèo TP. HCM xin hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng để đóng cho Bệnh viện mổ tim cho các Bệnh nhân. Nhiều cuộc sống mới đã được mở ra…nhiều cái chết được báo trước đã bị đẩy lùi. Trong đó có trường hợp của bé Võ Hoài Bảo Tâm- có trái tim ngoài lồng ngực- trường hợp đặc biệt của thế giới. Chương trình đã vận động được gần 500 triệu để mổ thành công cho bé, đây là ca mổ thành công đầu tiên ở Việt Nam.

6- Xây dựng 100 Căn Nhà Tình Thương ( Kinh phí gần 2 tỷ đồng- trong đó chương trình ủng hộ 500.000.000đ; vận động địa phương hỗ trợ gần 1,5 tỷ)
Hàng trăm gia đình ở miền tây sống trong những căn chòi lá rách nát, tạm bợ đã được sống trong căn nhà mới bằng tôn, gỗ..an toàn hơn, ấm áp hơn khi mùa mữa lũ về.

7- Vận động 4000 thẻ BHYT tặng người nghèo (Kinh phí gần 1 tỷ đồng)
8- Thực hiện chương trình Áo Ấm cho trẻ vùng cao (Tặng 2000 cái áo lạnh và 2000 cái mền- kinh phí hơn 400 triệu đồng)
9- Tổ chức Đêm hội Trăng Rằm cho 600 em thiếu nhi nghèo Tỉnh Ninh Thuận; tặng 100 xe đạp cho học sinh khó khăn (Kinh phí gần 500 triệu đồng)
10- ……..

Đó chỉ là 10 trong số rất nhiều hoạt động nổi bật mà chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt đã làm được chỉ trong năm 2015. Nói sao hết ý nghĩa những công trình được tạo nên từ tấm lòng yêu thương của người này dành tặng cho người khác. Xúc động trước những ý nghĩa đó, mới đây trong buổi lễ tổng kết của Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ Tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đã quyết định tặng Bằng khen cho tập thể và cá nhân đã thực hiện Chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt.
Để làm được những điều đó, chương trình đã có nhiều đổi mới, đi sâu vào các hang cùng ngõ hẻm ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước để tìm đến những gia đình cần sự giúp đỡ nhất. Không có hình ảnh để minh họa sự khắc khổ của mỗi nhân vật, mỗi vùng đất đi qua, tôi sưu tập âm nhạc trong và ngoài nước để lồng vào chương trình nhằm đưa nội dung phát thanh đi vào lòng người nghe một cách nhẹ nhàng nhưng sâu lắng nhất. 
Chính vì vậy chương trình đã thu hút được sự đóng góp mạnh mẽ của hàng ngàn thính giả nghe Đài trong và ngoài nước, từ các Doanh nghiệp, cán bộ công nhân viên chức, văn nghệ sỹ, các bạn công nhân, học sinh….. cộng đồng người Việt ở Tỉnh CLERMONT FERRAND- Pháp, Úc, Mỹ…và hàng trăm kiều bào khác tuy đang sống khắp nơi trên thế giới nhưng luôn hướng về quê hương và mong muốn được chia sẻ một phần nào khó khăn của người dân quê mình.
Giờ đây, thính giả của chương trình không chỉ giới hạn trong khu vực Thành phố Hồ Chí Minh mà còn mở rộng ra các tỉnh, thành trong cả nước, ở những nơi làn sóng của Đài chưa vươn tới thì thính giả sẽ nghe qua trang Web của chương trình tại địa chỉ : www.satcanhcunggiadinhviet.com. Và đây cũng là kênh thông tin để các kiều bào ở nước ngoài nghe lại chương trình để gửi tiền, hàng về ủng hộ.
Với những hiệu quả xã hội ấy, năm 2014 chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt đã vinh dự nhận được Giải B Giải Báo Chí Quốc Gia.

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHÁC CỦA CHƯƠNG TRÌNH 
1- Khám bệnh- phát thuốc và tặng quà cho 1000 người dân tộc thiểu số tại huyện CưM Nga, tỉnh Đắk Lắk với tổng số tiền gần 500 triệu đồng.
2- Tặng quà + tiền + hỗ trợ xây dựng lại nhà cho hơn 1.000 người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 10, 11, cơn lũ lịch sử tại tỉnh Quảng Bình, tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi năm 2013 với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng.
3- Tài trợ mổ tim, chữa bệnh cho hàng trăm bệnh nhi hơn 1 tỷ đồng.
4- Xây nhà, mua bò, tặng xe máy, kéo điện, hỗ trợ vốn làm ăn, hỗ trợ tiền đi học… cho gần 100 gia đình phát sóng trong chương trình. Tổng kinh phí khoảng: Gần 5 Tỷ đồng. 
5- Vận động được gần 1 tỷ đồng để xây dựng 4 cây cầu nông thôn mới ở Tỉnh Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp, Sóc Trăng.
6- Tặng gần 5000 phần quà tết ( trị giá hơn 2 tỷ đồng ) cho các gia đình nghèo ăn tết (Tại thành phố Hồ Chí Minh; Bến Tre; Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bình Phước…)
7- Sửa chữa miễn phí hơn 100 xe gắn máy ( Trung bình 3 triệu- 4 triệu/chiếc)
8- Tặng hơn 50 xe gắn máy cho nhân vật có phương tiện mưu sinh
9- Và nhiều hoạt động khác…
Ttừ những chuyến đi thực tế, chương trình đã tìm ra những nơi thực sự cần hỗ trợ và chỉ bằng những đoạn phỏng vấn, những lời bình và âm nhạc được chọn lọc phù hợp, biên tập đã chuyển tải một cách chân thực và xúc động nhất đến thính giả nghe Đài, thế là nhiều công trình dân sinh ý nghĩa sau đó đã được xây dựng từ nguồn kinh phí đóng góp của chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt trị giá hàng tỷ đồng. Đó là sự chung tay góp sức của hàng ngàn thính giả nghe Đài gần xa, từ những em học sinh, sinh viên, những bạn công nhân nghèo, các ông bà, cô chú nội trợ, bác xe ôm....đến các doanh nhân thành đạt.
Giờ đây, chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt đã trở nên quen thuộc với biết bao thính giả nghe Đài, bởi họ không chỉ tìm đến đây để thấy mình may mắn, hạnh phúc hơn biết bao người khác. Mà quan trọng, chương trình này còn là nơi kết nối bao trái tim tình nguyện, bao tấm lòng hướng về những mảnh đời không may trong cuộc sống. 

KẾ HOẠCH NĂM 2016
Trong năm 2016, chương trình là Sát cánh cùng gia đình Việt sẽ có kế hoạch vận động khoảng 13-15 tỷ đồng để thực hiện những hoạt động trọng tâm :
- Xây khoảng 15 cây cầu dân sinh (Dự kiến hơn 2 tỷ đồng) ; Xây 200 căn nhà chống lũ (Khoảng 1 tỷ); Tiếp tục mổ mắt cho khoảng 3000-5000 bệnh nhân nghèo (Khoảng 2-3 tỷ đồng); Hỗ trợ đời sống người dân ở 3-4 huyện đảo khó khăn ; Mổ tim cho các bệnh nhi (Khoảng 2 tỷ đồng) ; Vận động chương trình Áo ấm tình thương cho trẻ em ở các Huyện vùng sâu của các Tỉnh ; Hỗ trợ ghe, xuồng, các phương tiện mưa sinh cho người dân ở các tỉnh Miền sông nước, miền biển, vùng đảo… ; Tiếp tục thực hiện khảo sát xây cầu, xây nhà tình thương ; Bám sát những gia đình khó khăn để hỗ trợ vốn làm ăn, chữa bệnh, đưa trẻ bỏ học đến trường ; …kế hoạch tặng 3000 thẻ Bảo hiểm y tế cho người nghèo ; Thực hiện chương trình Mùa Xuân Yêu Thương với 2000-2500 phần quà tết (Trị giá hơn 1 tỷ đồng)….

CÁC ĐƠN VỊ TÀI TRỢ PHÁT SÓNG:
- DẦU NHỚT NIKKO
- CÔNG TY TNHH CAO SU ĐÔNG NAM Á
- TRUNG TÂM KÉT SẮT GOODWILL
- CÔNG TY GĂNG TAY CAO SU NAM LONG
- CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẠI ĐỒNG TIẾN

Để biết thêm thông tin có thể nghe chương trình trên radio hoặc tải phần mềm VOH radio về máy điện thoại để nghe chương trình.

Tuesday, November 29, 2016

Lớp Học Tình Thương Hòa Hảo





Lớp Học Tình Thương Hòa Hảo

Địa chỉ: 166 Đường Phan Anh, Phường. Tân Thới Hòa, Quận. Tân Phú, Tp. HCM
Điện thoại: 0902 409 149 - 0913 134 418
Email: lophoctinhthuonghoahao@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/lophoctinhthuonghoahao/
Trang web: http://www.lophoctinhthuonghoahao.com/

Lớp học tình thương của người thầy thầm lặng mà cao cả - Nguyễn Thanh Hải

Người thầy thầm lặng mà cao cả
Nghe tin thầy Nguyễn Thanh Hải sắp được UBND TP.HCM tuyên dương là “Tấm gương thầm lặng mà cao cả” toàn TP năm 2016, nhiều đồng nghiệp, phụ huynh học sinh gật đầu: “Trao cho thầy Hải là đúng quá.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Hải dạy cho các học sinh lớp 1 nắn nót từng con chữ 
tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM - Ảnh: Tự Trung


 Hơn 40 năm nay, chuyện thầy lặng thầm làm cho học trò nghèo miệt chiến khu An Phú Đông chẳng ai đo đếm được!”.
Thầy Hải, hiện là phó giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng, P.Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM - nơi người dân ở đây vẫn quen gọi là “trường thầy Hải”. Ông giáo 75 tuổi đời, hơn 20 năm tuổi Đảng ấy vẫn đang miệt mài “chiến đấu với giặc dốt” (theo cách nói của ông) - cuộc chiến mà ông đã đeo đuổi, tận hiến hơn nửa cuộc đời.
Ngày nào cũng là “ngày khai giảng”
Gần 23g, một phụ nữ dáng người lam lũ dắt theo ba đứa nhỏ gõ cửa trung tâm tìm thầy giáo Hải xin học. Hỏi giấy tờ, khai sinh của tụi nhỏ đâu, người mẹ khóc: “Con nói thiệt với thầy con nghèo quá. Hồi đi sinh, hễ bệnh viện báo ngày mai cho xuất viện là bữa nay con bồng cháu trốn khỏi bệnh viện rồi nên đâu có được giấy tờ gì. Ba đứa con của con đứa nào cũng vậy hết!”.
Nhìn vẻ mặt khổ sở của người mẹ, thầy Hải gật đầu: “Thôi, để đó thầy tính!”. Nói thì nói vậy cho mấy mẹ con yên bụng, chứ thầy cũng phải lần lượt gõ cửa các cơ quan chức năng ở địa phương để hỏi cách làm.
Cán bộ tư pháp phường lúc mới nghe thầy trình bày cũng thấy khó, vướng đủ thứ, thầy Hải thuyết phục: “Có khó, có khổ người ta mới đến tìm mình. Các em ráng lo giấy tờ đặng tụi nhỏ được đi học, sau này nó không làm nổi kỹ sư, bác sĩ mà làm một anh công nhân có học thì xã hội cũng đỡ gánh nặng”.
Cánh cửa của “trường thầy Hải” chưa bao giờ đóng trước những mảnh đời bất hạnh. Có những cảnh đời làm thầy Hải bật khóc. Như trường hợp một em học trò chưa đầy 10 tuổi đã phải vừa làm anh, vừa làm cha, làm mẹ cho đứa em 2 tháng tuổi. Mẹ bỏ đi, em phải theo cha đi làm đất mướn.
Khi hai cha con móc sình, quăng đất dưới ao thì đứa em út còn khát sữa được treo vắt vẻo trong một bụi chuối ven bờ. Mỗi khi em khát sữa, thằng anh lại hì hụi leo lên bờ pha nước cơm đút cho em.
Đứa nhỏ lớn lên, đeo theo anh trai như hình với bóng. Đến khi người cha dẫn thằng anh vô xin đi học, thằng em cũng nhất định đi theo không chịu rời nửa bước. Thầy Hải quyết định nhận luôn hai anh em.
“Ở các trường khác, mỗi năm chỉ nhận học sinh vào mùa tựu trường, còn ở đây ngày nào cũng có thể là ngày khai giảng. Tôi nghĩ ở chùa mỗi khi người ta muốn xuất gia thì sư trụ trì đâu bao giờ từ chối. Đằng này người ta xin học cái chữ, sao mình nỡ chối từ?” - thầy Hải chia sẻ.
Nguyên tắc nhận học viên bất cứ lúc nào của thầy Hải cũng khiến các giáo viên trung tâm vất vả hơn vì trình độ học sinh không đồng đều, sĩ số luôn biến động nhưng thầy Hải động viên mọi người bằng quan điểm: “Được học thêm một ngày là bọn nhỏ tốt lên một phần. Cái đó còn quan trọng hơn mọi thống kê thành tích”.
Người thầy đa năng
Chế nước sôi vào vắt mì gói, thêm ít lát mì căn trữ trong tủ lạnh, thầy Nguyễn Thanh Hải sẵn sàng cho bữa ăn tối ngay tại trung tâm, khi tất cả giáo viên, tình nguyện viên và học viên đã ra về.
Bao giờ cũng vậy, thầy Hải luôn là người ở lại cuối cùng, bởi hơn chục năm rồi từ ngày nhận lời về công tác tại trung tâm, ông cũng thu dọn luôn chút tư trang ít ỏi về đây ở. “Hồi trẻ còn sức còn đạp xe, thậm chí lội bộ bốn năm chục cây số đi đi về về với học trò, giờ già rồi dọn về gần trường đặng còn sức mà dạy” - thầy cười giải thích.
Với mức lương hưu tầm 5 triệu đồng/tháng, con cái đã thành đạt, thầy Hải hoàn toàn có thể có cuộc sống an nhàn nhưng ông chọn cho mình một con đường khó: vừa làm quản lý, vừa làm thầy tham gia dạy cả ba khối lớp, kiêm nhiệm luôn nhiệm vụ lao công quét dọn và bảo vệ trung tâm, còn phải vừa lo cái ăn, cái mặc cho học trò. “Đâu chỉ riêng tôi, các giáo viên ở đây đều đa năng như vậy hết” - thầy Hải cười tiết lộ.
Học sinh của trung tâm phần đông là con em bà con lao động nghèo, công nhân, người làm nghề tự do, người nhập cư lên TP ở trọ. Nhiều em tới lớp với cái bụng lép kẹp, mặt mũi xanh xao, có bữa đang học lăn ra ngất xỉu. Vậy là ngoài dạy chữ, thầy Hải và các cô còn phải tìm cái ăn cho học sinh.
Thời gian đầu thành lập trung tâm, kinh phí của quận còn rất hạn hẹp, thầy cùng các cô đi vận động gạo, đường, thức ăn, vận động tiền để mua cặp, sách, tập vở, xin quần áo, đồng phục cũ cho các em.
Hơn 10 năm sau ngày thành lập, đời sống đã bớt vất vả nhưng bếp tình thương của thầy Hải và các cô ở trung tâm vẫn được duy trì. Mừng Ngày nhà giáo Việt Nam, có mạnh thường quân gửi biếu các thầy cô quà mừng là mấy thùng mì gói, vài ký bột ngọt, đường cát, gạo. Các thầy cô nhận rồi góp lại cho bếp của trung tâm.
Trong căn phòng nhỏ vừa là phòng họp, phòng làm việc, vừa là nơi ngả lưng mỗi đêm của thầy Hải, xen lẫn giấy tờ sổ sách, sách giáo khoa còn có sữa hộp, mì gói, nước suối, mấy loại thuốc thông dụng.
“Tôi ăn chay trường, mỗi bữa đạm bạc, đơn giản là đủ. Trữ thêm thức ăn, thuốc men ở đây đặng học trò đứa nào đói mình cho ăn thêm, đứa nào đau bụng, nhức đầu có thuốc mà uống” - thầy Hải nói. Mới đây ít lâu, cạnh chiếc ghế bố thầy thường nằm còn có thêm cây nạng. Hơn nửa đời đứng trên bục giảng, thầy bị chứng giãn tĩnh mạch, có lúc đau đi không nổi nhưng thầy vẫn không một ngày bỏ lớp.
Người ở lại
Ngẫm lại cả cuộc đời đi dạy, mỗi khi phải chọn lựa giữa một bên là dứt áo ra đi và một bên là ở lại, thầy Hải luôn chọn làm người ở lại. Trước giải phóng, thầy là giáo viên Trường Kỹ thuật Gia Định. Tin Sài Gòn giải phóng khiến không ít giáo viên bỏ trường, rời Tổ quốc.
“Lúc đó tôi còn trẻ, chỉ nghĩ đơn giản mình cũng bỏ đi thì học trò bơ vơ. Thương học trò, thương đất nước thì ở lại, chấp nhận tất cả” - thầy nhớ lại.
Lựa chọn ở lại, thầy Hải được điều động về dạy học ở địa bàn chiến khu An Phú Đông - mảnh đất thiệt thòi hứng chịu nhiều bom đạn. Thời đó thầy đạp xe, lội sông, lội ruộng kêu gọi học trò ra lớp. Kiếm được trò rồi, thầy lại cùng phụ huynh vượt sông chở tre, chặt lá lồ ô về dựng chòi làm lớp. Về sau có người quen ngỏ ý xin cho thầy về trung tâm TP dạy cho gần, thầy từ chối không về, tiếp tục ở lại bám trụ với học trò.
Khi địa phương có chủ trương thành lập trường cấp III, thầy không sang trường mới mà tình nguyện ở lại trường cấp I, đồng hành cùng những học sinh nghèo khó nhất. Đó cũng là thời điểm thầy Hải - một trí thức của chế độ cũ - được đứng vào hàng ngũ của Đảng.